“Ứng dụng Piano Cổ điển vào Piano Đương đại” là cần thiết và tất yếu đối với đào tạo bật Đại học hiện nay.
“Nghệ thuật ứng dụng Piano Cổ điển vào Piano Đương đại” là cần thiết và tất yếu đối với đào tạo ở bậc Đại học hiện nay! Với hai lý giải:
Lý giải thứ nhất:
Trước đây, các cơ sở đào tạo âm nhạc nói chung chỉ thi tuyển năng khiếu một lần (sơ cấp hay trung cấp) và chúng ta cứ thế đào tạo lên đại học. Quá trình này có người vẫn theo hướng Cổ điển để học tiếp lên cao hơn. Trong số đó có người không thể đi theo hướng Cổ điển mà họ lại có khả năng khác tốt hơn như Jazz, Blue mà ta đang gọi là Đương đại ..v.v. Khi những người không đi theo thuần túy Cổ điển (không riêng chuyên ngành Piano mà một số chuyên ngành khác cũng vậy), họ tự tìm tòi học hỏi đâu đó để phát triển khả năng của mình theo hướng mà mình có thể thành công hơn nếu phải theo Cổ điển. Như vậy, xét về mặt giáo dục thì do điều kiện nào đó mà chúng ta vẫn chưa làm hết chức năng và nhiệm vụ của việc xã hội hóa trong đào tạo nghệ thuật âm nhạc.
Lý giải thứ hai:
Hiện nay, đời sống vật chất và tình thần của xã hội chúng ta ngày càng cao, đã đưa phong trào hoạt động và học tập âm nhạc nói chung của giới trẻ trên mọi miền đất nước cũng cao hơn nhiều. Âm nhạc lại là môn Nghệ thuật có khả năng hấp thụ, lan truyền và phổ cập nhanh chóng đặc biệt là ở giới trẻ. Nếu cách đây 5 đến 7 năm thì giới trẻ muốn học âm nhạc chỉ có thể vào các trường Văn hóa Nghệ thuật của các tỉnh, hoặc vào các nhạc viện mới học được Âm nhạc, đồng thời xem như là đã xác định nghề nhiệp luôn ở đó. Còn hiện nay thì mỗi tỉnh thành đều có 5 đến 10 cơ sở dạy âm nhạc, gọi là các trung tâm âm nhạc. Bởi vậy, hiện nay các bậc phụ huynh và học sinh thường cho con em đến các trung tâm để học âm nhạc rất dễ dàng. Một mặt để con em được giải trí từ môn học nghệ thuật, mặt khác họ chưa bị ràng buộc về quyết định nghề nghiệp của con cái họ như khi vào thi tuyển vào trường âm nhạc nói chung. Trong quá trình dạy học thì phụ huynh, người học và thầy cô giáo sẽ xác định được năng lực, sở trường và thế mạnh của các em để định hướng một cách chính xác, hợp lý mà không bị thiên cưỡng cho các em. Việc xác định ở đây bao gồm: Một là, xác định các em có thể theo học âm nhạc lên cao và thi vào chuyên nghiệp hay không, hay chỉ dừng ở mức biết chơi âm nhạc để giải trí, chơi nhạc phong trào. Hai là, khi các em có đủ năng lực đủ đam mê để theo chuyên nghiệp thì đồng thời các em cũng có thể xác định luôn là mình nên đi theo hướng Cổ điển hay theo hướng Đương đại.
Vậy nên, với một Trung tâm âm nhạc ở các tỉnh ko có trường Văn hóa Nghệ thuật như chúng tôi – chúng tôi rất mong muốn các cơ sở đào tạo bậc đại học có thêm mã ngành Piano Đương đại để làm phong phú thêm cho bộ môn Piano và còn mong muốn thêm ở các bộ môn khác như Thanh nhạc, Guitar chẳng hạn.
Thầy Đình Khóa