Bài tham luận - hội thảo "Nghệ thuật ứng dụng Piano cổ điển vào Piano đương đại" ThS Trần Mai Hồng

line
20 tháng 10 năm 2021

HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ

NGHỆ THUẬT ỨNG DỤNG CỦA PIANO CỔ ĐIỂN VÀO PIANO ĐƯƠNG ĐẠI

 

1. Lời mở đầu:

Khi bắt đầu công việc giảng dạy tại đại học, tôi đã gặp và tiếp xúc với các sinh viên của mình. Và khám phá ra được rất nhiều vấn đề đa dạng khác nhau cho việc hướng dẫn và đào tạo, nhất là đối với các bạn sinh viên chuyên ngành piano đương đại. Những câu hỏi tôi hay chạm phải đó là làm thế nào để em có thể thể hiện được những tác phẩm phức tạp mà chưa hề có một nền tảng căn bản nào nhất định. Hay việc đàn một bản nhạc thật sự truyền cảm thì cần phải làm thế nào. Đơn giản hơn có những việc như để thuộc một tác phẩm âm nhạc thì phải làm sao. Từ đó tôi định ra một giáo án của riêng mình đó là rút ngắn toàn bộ những cốt lõi và tinh hoa của piano cổ điển để hướng dẫn và chỉ dạy cho các em, để giúp các em không còn bỡ ngỡ và có một hướng đi đúng đắn nhất trong việc phát triển định hướng tương lai và nghề nghiệp của chính mình.

Phải nói rằng , nghệ thuật đương đại suốt hơn thập kỷ qua đã trở thành một trào lưu trên thế giới không chỉ âm nhạc, mà còn các ngành nghệ thuật khác như hội họa, múa, điện ảnh… Bởi những thông điệp mà nó truyền tải phù hợp với nhịp độ và sự phát triển của cuộc sống và xã hội, dễ hiểu, gần gũi và dễ rung cảm. Chính vì vậy, việc tất cả các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp cũng đã tiên phong trong việc mở ra những ngành đào tạo mới về nghệ thuật đương đại là một hướng đi vô cùng sáng suốt phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của xã hội và đào tạo được nguồn nhân lực trẻ và triển vọng cho tiến độ phát triển nhanh chóng của các ngành nghệ thuật sau này. Bên cạnh đó, vấn đề về đào tạo nghệ thuật cũng được đưa vào các trường đại học. Đây là một sự hội nhập khá nhanh chóng và hiệu quả từ các trường đại học khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển cũng như các nước Đông Nam Á.

2. Nội dung:

Vấn đề chính của buổi hội thảo hôm nay là làm thế nào để ứng dụng piano cổ điển vào piano đương đại.

Như tất cả chúng ta đã biết, cổ điển là sự khởi nguồn của tất cả những gì mới lạ và phát triển về sau. Bởi đó là những quy chuẩn được đặt ra để làm tiền đề cho một nền móng vững chắc và chuẩn mực cho mọi vấn đề phát sinh từ đó. Nghệ thuật lại càng trở nên đặc thù. Âm nhạc cổ điển đã được hình thành và phát triển từ thế kỷ 16 qua nhiều giai đoạn và nhiều trường phái khác nhau. Sự trường tồn và sức sống mãnh liệt của nó đã ở trong lòng biết bao thế hệ con người. Sự công phu và đồ sộ của những tác phẩm âm nhạc cổ điển cũng luôn là những tượng đài mà bất cứ người nghệ sỹ nào cũng muốn được chinh phục. Chính vì vậy, việc chơi được những tác phẩm cổ điển đòi hòi người học phải có một sự luyện tập chỉn chu, tỉ mỉ, và phải được đào tạo một cách bài bản, nghiêm túc từ những giảng viên, nghệ sỹ có chuyên môn. Và câu hỏi đặt ra cho các sinh viên của chúng ta là: Các em sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào để có thể tự tin với việc học Piano đương đại?! Và chắc chắn chúng ta sẽ cần bắt đầu từ cổ điển. Xây dựng một nền tảng vững vàng về lý thuyết , kỹ thuật, tư duy âm nhạc, cảm thụ âm nhạc và ứng dụng nó một cách triệt để và hiệu quả nhất vào Piano đương đại.

a. Nhạc lý cơ bản:

  • Sinh viên cần phải được hiểu biết và nắm vững về tất cả những lý thuyết âm nhạc căn bản. Các vấn đề về nốt, nhịp độ, cao độ , trường độ, hòa âm, dấu hóa, các điệu thức cần phải được thông suốt và nắm bắt một cách nhanh nhạy. Các em sẽ được tiếp xúc với ký xướng âm, là một môn học quan trọng giúp các em luyện tập tai nghe của mình một cách chuẩn xác về các âm thanh cao độ, và mô phỏng lại những âm thanh đó bằng giọng hát của mình, cũng như ghi chép lại được những gì mình được nghe. Việc luyện tập nghe đóng một vai trò chủ đạo trong việc chơi các tác phẩm âm nhạc và cũng giúp các em có tiền đề để có thể phát triển tư duy về sáng tác âm nhạc. Chính điều đó sẽ giúp các em rất lớn trong việc nghe ra được những âm thanh do chính mình tạo ra , phân biệt được sự khác nhau và tính chất riêng biệt của nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, và mang lại tư duy và cảm thụ âm nhạc sâu sắc hơn giúp các em trong việc xử lý các tác phẩm một cách chuyên nghiệp và tinh tế.

    *Tài liệu tham khảo : Nhạc lý cơ bản

    ABRSM Music Theory from Grade 1 – 8

  • Hòa âm cũng là một môn học vô cùng quan trọng trong quá trình đào tạo. Đây là môn học sẽ theo sát và đồng hành cùng các em trong cả piano cổ điển và piano đương đại. Việc vận dụng những màu sắc của hòa âm cổ điển vào hòa âm đương đại sẽ mang lại màu sắc vô cùng đa dạng, phong phú và sang trọng cho những tác phẩm đương đại.

*Tài liệu tham khảo:

Hòa âm từ cổ điển đến hiện đại – tác giả Nguyễn Bách

Berklee Harmony Complete

  • Lịch sử âm nhạc là rất cần thiết trong việc giúp các sinh viên hiểu được quá trình hình thành, phát triển của âm nhạc, sự biến đổi của nó theo thời gian gắn liền với sự vận hành và những cột mốc quan trong trong lịch sử thế giới. Đó cũng là sự khám phá đầy thú vị cho việc tìm hiểu vì sao âm nhạc cổ điển lại có sức nặng thời cuộc đến thế. Môn học giúp các em đi sâu vào tìm hiểu tác giả, tác phẩm, sự hình thành của các trường phái âm nhạc, từ đó giúp các em tư duy đúng đắn về phong cách âm nhạc của từng tác giả từ đó tìm ra cách thể hiện khác nhau cho từng tác phẩm. Đối với các tác phẩm đương đại, việc nghiên cứu và nắm rõ về các đặc điểm riêng biệt như tiết tấu, cách sử dụng hòa âm của từng thể loại âm nhạc trên thế giới đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp các sinh viên thể hiện ra được những tính chất âm nhạc tiêu biểu đó. Ví dụ như Blues Jazz có những vòng hòa âm đặc trưng, tiết tấu đặc sắc của Swing và Boogie được sử dụng xuyên suốt ở tay trái…

*Tài liệu tham khảo :

Lịch sử âm nhạc thế giới – Ths. Trần Kiều Lại Thủy

b. Kỹ thuật luyện ngón:

Hầu hết những kiến thức căn bản và sự kết hợp với kỹ thuật luyện ngón sẽ tạo nên nền tảng chuyên nghiệp nhất cho các bạn khi đến với Piano. Đây cũng là một trong những yếu tố được trau dồi và đào tạo một cách kỹ lưỡng nhất đối với người học, nhất là với Piano cổ điển. Nhưng cũng chính từ cơ sở của việc rèn luyện những kỹ thuật luyện ngón mà sinh viên cũng có thể định hướng được lối đi đúng đắn cho mình nếu phải phân vân giữa cổ điển hay đương đại. Các bài tập luyện ngón theo từng trình độ từ dễ đến khó mang một sức nặng rất lớn giúp các em có thể giải phóng được các ngón tay của mình, chạy ngón một cách độc lập, khỏe khoắn, thoải mái, không bị căng cứng các cơ và giúp tạo ra âm thanh đều đặn và chủ động trong từng nốt nhạc. Các tác phẩm đương đại ngày nay cũng đã sử dụng khá nhiều những kỹ thuật khó đòi hỏi sự thuần thục và nhuần nhuyễn cao hơn rất nhiều để có thể hoàn thiện được tác phẩm ở tốc độ nhanh và mang âm hưởng dàn nhạc hay sự tổng hợp của nhiều loại nhạc cụ điện tử khác nhau.

          *Tài liệu tham khảo:

Hanon The Virtuoso Pianist

Etude Czerny Op 299

Etude Czerny Op 740

13 Etudes by Moritz Moskovski

Etude Book 1 & 2 by Claude Debussy

12 Etudes Op 8 by Alexander Scriabin

Etude No 10 & Etude No 25 by Frederic Chopin

c. Nghệ thuật xử lý tác phẩm:

  • Piano cổ điển có một quy mô phức tạp và chiều sâu về tác phẩm. Bởi người nghệ sỹ khi chơi các tác phẩm cổ điển thì chủ yếu là độc tấu hoặc hòa tấu với những nhạc cụ mộc mà không hề có bất cứ một sự hỗ trợ nào từ các thiết bị điện tử khác hay kỹ thuật phòng thu. Điều đó có nghĩa là người nghệ sỹ phải hoàn toàn làm chủ và kiểm soát được toàn bộ tác phẩm, và thường là các tác phẩm cổ điển thường rất dài, với cấu tạo nhiều chương, đoạn, tùy thuộc vào các hình thức khác nhau. Chính vì vậy, đòi hỏi nghệ sỹ phải thể hiện được cá tính âm nhạc riêng của mình thông qua trình diễn tác phẩm, với đa dạng về sắc thái, cách xử lý chi tiết câu nhạc, tốc độ nhanh chậm phải cực kì chuẩn xác để tạo ra một tổng thể tác phẩm hoàn chỉnh. Đặc biệt, người học phải đọc hiểu được các thuật ngữ âm nhạc theo đúng ý tưởng của tác giả, sau đó thực hiện một cách chi tiết tất cả những chi tiết đó. Và bên cạnh đó là phải thuộc lòng toàn bộ tác phẩm âm nhạc. Việc thuộc lòng một tác phẩm cổ điển đôi lúc cũng là một trở ngại rất lớn đối với cả những sinh viên được đào tạo đúng chuyên ngành cổ điển. Vì đó cũng là một quá trình rèn giũa lâu dài để có thể trở nên quen thuộc và nhuần nhuyễn trong việc ghi nhớ.
  • Với piano đương đại thường là các tác phẩm với cấu trúc ngắn gọn và đơn giản, dễ thuộc hơn, các chi tiết trên thực tế cũng ít hơn so với các tác phẩm cổ điển. Hầu hết chú trọng về tiết tấu, phát triển theo âm nhạc ngẫu hứng dựa trên sự biến thể của hòa âm và giai điệu chủ đạo để mang lại sự mới lạ và thăng hoa cho người nghe. 
  • Cách sử dụng pédale cũng là một trong những điểm nhấn của nghệ thuật ứng dụng từ cổ điển sang đương đại. Pédale trong âm nhạc cổ điển thể hiện sự sáng tạo rất cao trong nghệ thuật biểu diễn. Bởi nó có ảnh hưởng rất cao đến âm thanh mà chúng ta tạo ra, và hoàn toàn có thể thay đổi cả tính chất âm nhạc. Và chính pedale có vai trò to lớn trong việc thể hiện đẳng cấp của người nghệ sỹ. Việc thuần thục kỹ năng đạp pedal với những phân đoạn cần tăng âm, giảm âm hay ngân dài là điều mà người chơi cần xử lý một cách chủ động và tinh tế. Vì vậy, pedal luôn được xem là trợ thủ đắc lực cho những nghệ sĩ piano. Chúng ta có thể hiểu rằng, màu sắc âm thanh sẽ thay đổi liên tục một khi pedal được sử dụng nhuần nhuyễn, nên sự khám phá và thấu hiểu âm thanh sẽ giúp nghệ sỹ thể hiện rõ được cá tính và tư duy âm nhạc độc đáo của riêng mình.

*Tài liệu tham khảo :

  • Các tác phẩm chuyển giao giữa cổ điển và đương đại. Chúng ta có thể sử dụng các tác phẩm bán cổ điển nhưng mang hơi thở của âm nhạc đương đại của các tác giả nổi tiếng từ nhiều thập kỷ trước như Richard Clayderman, Paul Mauriat, Yanni, Maksim, Secret Garden,…
  • Các tác phẩm hiện đại hơn có thể tham khảo như Yiruma, Jacob Koller, Kyle Laundry, Yohan Kim, Alan Menken, The Piano Guys, Joe Hisaishi, Korean Style song, …
  • Các giáo trình về các thể loại âm nhạc đương đại: The Blues Piano by Mark Harrison

The Jazz Piano book by Mark Levin

Famous Jazz style Piano by John Mehegan

Jazz Improvisation by John Mehegan

Duke Ellington Jazz Piano

Bill Evans Jazz Book & Piano Solos

Boogie Woogie Piano Styles by Sharon Pease

R&B Piano Solos from Hal Leonard

The Best of Scott Joplin Ragtime, George Gershwin

d. Kỹ năng thị tấu:

Thị tấu nghĩa là chơi nhạc không quen thuộc, bằng cách đọc bản nhạc ở tốc độ chính xác, và là một kỹ năng khác biệt so với chỉ đọc ở tốc độ chậm để học một tác phẩm mới . Thị tấu là một phần thi có trong các chứng chỉ âm nhạc quốc tế, nghĩa là người chơi nhạc đọc và chơi một bản nhạc chưa từng biết ngay trên nhạc cụ. Đây là một kỹ năng quan trọng trong 5 kỹ năng âm nhạc cần phải có, nó đòi hỏi khá nhiều về việc nắm chắc các lý thuyết âm nhạc căn bản và xử lý về tổng thể một cách nhanh gọn và nhạy bén. Nhưng để thực hiện tốt thì các em cần dành rất nhiều thời gian luyện tập một cách nghiêm túc, và với những người mới luyện tập thì nó hoàn toàn không hề dễ dàng.                                                                                                   

Thị tấu là công cụ quan trọng nhất và lợi hại nhất trong quá trình học, đối với cả piano cổ điển và đương đại. Sử dụng khả năng thị tấu nhanh mang lại tư duy và khả năng nhạy bén khi phải làm việc với những tác phẩm hoàn toàn mới lạ. 

-       Lợi thế khi chơi band ( piano đương đại ) và hòa tấu ( piano cổ điển )

-       Rút ngắn thời gian vỡ bài và hoàn thiện bài khi tập tác phẩm mới 

-       Giúp sinh viên có thêm nhiều thời gian để làm việc với các tác phẩm dài và khó. 

-       Mang lại sự nhạy bén và phong thái tự tin cho người nghệ sỹ khi phải ứng phó trên sân khấu những tác phẩm chưa được tập luyện qua.

-       Vì âm nhạc nói chúng và piano đương đại nói riêng là luôn đổi mới, với nhiều phong cách khác nhau, thị tấu giúp chúng ta tiếp xúc và học hỏi được rất nhiều trong mọi môi trường làm việc khác nhau, với nhiều cá tính âm nhạc khác nhau.

  • Đây là 10 phương pháp chuẩn bị giúp sinh viên có thể nắm vững phần kỹ năng thị tấu:
    1. Xác định giọng/ điệu thức
    2. Xác định số chỉ nhịp
    3. Kiểm tra dấu hóa bất thường
    4. Xác định âm hình tiết tấu lặp lại
    5. Đọc nhanh tiết tấu trong tâm trí
    6. Đọc nhanh các nốt đầu tiên của mỗi ô
    7. Xác định hợp âm trong mỗi ô
    8. Xác định tính chất/ tốc độ/ sắc thái
    9. Xác định vị trí bàn tay
    10. Chơi thật nhanh đoạn nhạc bằng tâm trí 

*Tài liệu tham khảo :

ABRSM Sight – reading books from grade 1 to grade 8

3. Kết luận:

Cho đến hôm nay, với sự phát triển vượt bậc về công nghệ, thì âm nhạc đương đại có một chỗ đứng và sức hút khá lớn trong lòng khán giả . Chính vì vậy việc khám phá và theo học chuyên sâu ngành học mới này đã trở thành xu hướng và đi đầu trong việc lựa chọn các ngành đào tạo nghệ thuật, nhất là với piano. Tuy nhiên việc trang bị cho các em một nền móng từ cổ điển sẽ là một hành trang vững chắc cho các em trong việc tiếp cận một cách tự tin và nhanh chóng với các thể loại âm nhạc hiện đạị của thế giới.

Tuy vậy nghệ thuật ứng dụng từ Piano cổ điển vào Piano đương đại là một hành trình dài và khó, đòi hỏi một sự nghiên cứu chuyên sâu từ các chuyên gia âm nhạc, các giảng viên chuyên môn giàu kinh nghiệm trong ngành để có thể đưa ra nhiều phương pháp và cách thức hợp lý để có thể truyền tải đến sinh viên một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó còn là sự nỗ lực học hỏi, nghiên cứu và tìm tòi , cùng với quá trình luyện tập rèn giũa đúng đắn và lâu dài để có thể mang lại những thành quả giá trị và ý nghĩa trong con đường nghệ thuật của các em.

  ThS. Trần Mai Hồng