Bài tham luận - hội thảo "Nghệ thuật ứng dụng Piano cổ điển vào Piano đương đại" ThS Cao Đình Thắng

line
28 tháng 10 năm 2021

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP TẠI HỘI THẢO

"NGHỆ THUẬT ỨNG DỤNG PIANO CỔ ĐIỂN VÀO PIANO ĐƯƠNG ĐẠI".

Nghệ thuật Piano cổ điển được du nhập vào Việt Nam theo chân những người Pháp từ sớm và được đưa vào đào tạo chuyên nghiệp vào năm 1956, cùng với sự ra đời của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nền nghệ thuật Piano cổ điển Việt Nam tuy chỉ mới được định hình, nhưng đã nhanh chóng phát triển và tiếp thu những trường phái Piano cổ điển từ nhiều nền âm nhạc đồ sộ trên thế giới, với những nghệ sĩ Việt Nam du học trở về từ những quốc gia có nền âm nhạc hàn lâm phát triển và cùng với những chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đến giảng dạy tại Việt Nam. Cho đến những năm hiện tại, có thể nói rằng nền nghệ thuật piano cổ điển tại Việt Nam đã và đang tiếp tục từng bước củng cố, phát triển thêm nữa.   Piano đương đại tại Việt Nam được du nhập vào nửa sau thế kỷ 20 cho đến hiện tại. Những thể loại, phong cách âm nhạc của trường phái Piano đương đại được tiếp thu rất nhiệt liệt bởi nhiều thế hệ nghệ sĩ tại Việt Nam. Có thể thấy rằng trường phái Piano đương đại tuy được biết đến tại Việt Nam sau trường phái Piano cổ điển, nhưng đã được người dân tiếp thu rất nhanh chóng.

Theo ý kiến cá nhân của người viết, nếu một nghệ sĩ đã được tiếp thu trường phái hàn lâm đến một cấp độ nhất định, người nghệ sĩ đó sẽ có lợi thế khi tiếp thu trường phái hiện đại và phát triển phong cách riêng của mình một cách độc đáo, đặc sắc. Piano cổ điển giúp cho người học phát triển khả năng thẩm âm, khả năng phân tích hòa âm, kỹ thuật nhạc cụ và rất nhiều những kỹ năng khác; Những điều này hỗ trợ đắc lực cho người học piano cổ điển trong việc tiếp nhận, ứng dụng những thể loại, phong cách của Piano đương đại.

Âm nhạc hiện đại tại Việt Nam được tiếp thu từ rất nhiều các nền âm nhạc hiện đại có vị trí trên bản đồ âm nhạc thế giới: như Mỹ, vương quốc Anh, các nước châu Âu, các nước Mỹ Latin, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Những nền âm nhạc hiện đại này đều được phát triển theo phong cách rất riêng, rất độc đáo, và đều có yếu tố không nhỏ của nền tảng âm nhạc Hàn Lâm.

  Nếu xem Piano đương đại là một cánh diều, thì khung sườn được xây dựng từ nền tảng Piano cổ điển sẽ giúp cánh diều đó trở nên thật vững vàng để có thể bay cao, bay xa đến những phương trời âm nhạc mới.

            ThS. Cao Đình Thắng