Giới thiệu chuyên ngành Piano Ứng dụng

line
07 tháng 07 năm 2020

Trong xã hội hiện nay, sự phát triển của âm nhạc đang ngày một lớn dần và đa dạng nhiều thể loại, đặc biệt là âm nhạc ứng dụng. Do sự lan tỏa và hội nhập của khá nhiều thể loại âm nhạc trên thế giới, nên thị trường âm nhạc Việt Nam ngày càng mở rộng và hình thành nhiều mảng màu âm nhạc vô cùng phong phú đối với nhu cầu của người nghe. Trong sự du nhập và phát triển của loại hình nghệ thuật thính phòng, piano được xếp đầu trong danh sách các nhạc cụ có tính phổ cập và piano đã trở thành 1 trong những ngành học đầu tiên khi âm nhạc hàn lâm của Tây Âu du nhập vào Việt Nam.

Trải qua các chặng đường hình thành và phát triển, phong cách nhạc nhẹ dần dần khẳng định được vị thế của mình trong xã hội mới. Từ đó, các ngành học mang phong cách cổ điển cũng đã có sự hòa nhập theo thời đại và nghệ thuật Piano chuyên nghiệp cũng đã hình thành 1 màu áo mới: Piano ứng dụng/ Piano nhạc nhẹ.

(Buổi học chuyên ngành Piano nhạc nhẹ của SV khoa Nghệ thuật – Đại học Văn Hiến)

Trong các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên cả nước, chuyên ngành Piano Ứng dụng/ Piano nhạc nhẹ là một trong những chuyên ngành được các thí sinh yêu thích, quan tâm và tìm hiểu. Kế thừa và phát triển từ loại hình Piano cổ điển mẫu mực, Piano ứng dụng còn mang đến cho người học các kiến thức chuyên sâu về nhạc nhẹ như các tác phẩm thuộc các dòng nhạc: Pop, rock, jazz, Blues, R&B… hay các tác phẩm Việt Nam được viết theo phong cách mới… Bên cạnh đó là các học phần bổ trợ kỹ năng và kiến thức về âm nhạc như Hòa âm nhạc nhẹ, hòa tấu band nhạc, phối khí,… Từ đó khơi gợi tính sáng tạo, sự ứng tấu cho mỗi tác phẩm của từng học viên, xây dựng khả năng kết nối giữa yếu tố kỹ thuật và cảm xúc, hình thành phát triển kỹ năng biểu diễn một cách hoàn chỉnh.

Với vai trò và tầm ảnh hưởng trong nghệ thuật, chuyên ngành Piano ứng dụng được nhiều bạn thí sinh lựa chọn để theo học bậc Đại học chính quy sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, nhiều thí sinh băn khoăn không biết nên học ngành piano ứng dụng/ piano nhạc nhẹ ở đâu? Hay các trường đại học nào ở TP.HCM có đào tạo ngành Piano ứng dụng/ piano nhạc nhẹ?.  Tại TP.HCM, bên cạnh Nhạc viện là trường chuyên biệt đào tạo âm nhạc chính quy thì tại Đại học Văn Hiến, Khoa Nghệ thuật là một trong những trường đi đầu trong việc áp dụng và đưa vào đào tạo các chuyên ngành ứng dụng/ nhạc nhẹ, đặc biệt là Chuyên ngành Piano Ứng dụng. Với mô hình đào tạo chuyên nghiệp từ cơ bản đến nâng cao theo từng cấp độ, các sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về kiến thức chuyên môn cũng như sự phát triển toàn diện về các kĩ năng hòa âm và biểu diễn dành riêng cho ngành piano ứng dụng.

 

(Sinh viên chuyên ngành Piano Nhạc nhẹ tham gia band nhạc)

Ngành Piano Ứng dụng được đào tạo chuyên nghiệp tại Khoa Nghệ thuật, Đại học Văn Hiến ở trình độ đại học chính quy. Trong quá trình học tập, sinh viên còn được thực hành biểu diễn, tham gia các hoạt động nghệ thuật trong và ngoài trường, các hội thi – hội diễn, các chương trình, cuộc thi âm nhạc do các đơn vị, đài truyền hình tổ chức trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh việc được học tập với các giảng viên chuyên môn cao là các Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ có thâm niên cao đã và đang giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM, Học viện Âm nhạc Huế, Đại học Sài Gòn, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, các bạn sinh viên còn được tham gia các lớp master do các nghệ sĩ, chuyên gia âm nhạc tên tuổi trên thế giới trực tiếp hướng dẫn.

(Buổi học kiến thức chuyên sâu về Kỹ năng đọc bản nhạc và Hòa âm nhạc nhẹ của ThS, Giảng viên Trương Thị Ngọc Bích)

Những năm gần đây, piano ứng dụng trở thành ngành học theo xu thế hiện đại, thu hút khá nhiều các bạn sinh viên theo học bởi cơ hội việc làm rộng mở và tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên đều có thể đảm nhiệm công việc chuyên môn tại các đơn vị nghệ thuật như chuyên viên quản lý văn hóa nghệ thuật của các trung tâm, các cơ sở ban ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của tỉnh thành, biên tập viên cho các chương trình âm nhạc; tham gia các hoạt động âm nhạc khác nhau như tư vấn và tổ chức dàn dựng các chương trình tại các đơn vị, cơ sở. Ngoài ra, cơ hội để thực hiện công tác nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu âm nhạc, văn hóa nghệ thuật hay giảng dạy ở các cơ sở đào tạo âm nhạc hay các trường phổ thông trong khu vực và cả nước. Đồng thời có thể học tiếp lên các bậc học cao hơn hoặc các chuyên ngành khác về âm nhạc để nâng cao năng lực làm việc.

ThS. Trần Mai Hồng     

Giảng viên Piano     

Khoa Nghệ thuật, Đại học Văn Hiến     

Các tin liên quan