Các yếu tố để thể hiện tốt một khúc aria trong vở Opera

line

ARIA TRONG THANH NHẠC CHUYÊN NGHIỆP:

     Âm nhạc đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội con người, trong đó ca hát là một hình thức sinh hoạt âm nhạc gần gũi, gắn bó một đời với người Việt, từ những điệu lý, câu hò, những bài đồng dao, những khúc dân ca…Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, ca hát không chỉ tồn tại với những hình thức trong dân gian mà ngày càng phát triển mang tính nghệ thuật cao hơn qua các ca khúc, các trường ca, hợp xướng hay các bản romance, các khúc Aria...được ảnh hưởng và du nhập từ các nước có nền nghệ thuật phát triển.

       Aria là các khúc hát được trính từ các vở nhạc kịch, gắn với nhân vật cụ thể trong các opera. Trong các thể loại thanh nhạc khác, có thể hát với tất cả các giọng miễn sao phù hợp, thì các bản Aria phải hát theo đúng giọng của nhân vật (trừ một số vở ở thời kỳ tiền cổ điển). Ví dụ Khúc Aria là của nhân vật nam thì không thể hát bằng giọng nữ, hoặc khúc Aria là của giọng soprano thì không thể hạ xuống hát như giọng Mezzo soprano.v.v.

images (12)

CÁC YẾU TỐ ĐỂ THỂ HIỆN THÀNH CÔNG MỘT KHÚC ARIA:

      Để thể hiện thành công một Aria trong các vở Opera, ngoài kiến thức về âm nhạc chung, cùng với kỹ thuật thanh nhạc được trang bị một cách nhất định để đáp ứng các vấn đề về hơi thở, khoảng vang của âm thanh đối với sân khấu nhạc kịch, còn các yếu tố khác để thể hiện tốt một khúc aria. Do đó người hát phải nắm về các vấn đề liên quan như:

- Nắm được nội dung vở opera:

Hiểu được nội dung của vở nhạc kịch từ cốt truyện, bối cảnh xã hội đến những ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn gửi đến khán thính giả, điều đó sẽ giúp người hát nắm được thông điệp của nhà soạn nhạc qua mỗi vở nhạc kịch.

- Biết tính cách nhân vật trong vở opera

Vai diễn trong các vở opera rất phong phú, đa nhân vật, đa tính cách. Từ một ông vua hề trong vở bi nhạc kịch “Rigoletto”; một anh săn bắt chim vui tính Papacheno trong “Cây Sáo Thần”, đến một anh hầu Figaro thông minh, nghịch ngợm, luôn tìm mọi cách để chế giễu bọn nhà giàu và bọn bá tước trong “Đám cưới Figaro”. Hay tiểu thư Zilda sống hết lòng với tình yêu một cách mê muội trong “Rigoletto”; hoặc Carmen - một cô gái Zigan đỏng đảnh, vui vẻ và phóng khoáng trong vở “Carmen”…Chính vì thế, hát khúc Aria của nhân vật nào thì phải hát với tinh thần, tính cách của nhân vật đó. Không thể hát các khúc aria của Rigoletto với phong cách và tinh thần trong vai của một Don Joăng được, hay hát khúc aria Habanera trong “Carmen” với tâm trạng của của nhân vật Violetta trong “La travita”. Chính vì thế, hiểu tính cách nhân vật là một chìa khóa để thể hiện được đúng cốt lõi, tinh thần của khúc Aria với người hát.

- Hiểu nội dung và bối cảnh của khúc aria.

Tuy nhiên, trong một vở nhạc kịch cũng có nhiều khúc Aria cho một một nhân vật, nội dung của nó cũng có thể khác nhau, tâm trạng nhân vật cũng có thể thay đổi lúc vui, lúc buồn; lúc lạc quan hoặc bi quan; lúc hồn nhiên hay u sầu… theo cốt truyện. Nên chỉ đơn thuần biết được tính cách của nhân vật và áp dụng cách thể hiện cho tất cả các aria trong vở nhạc kịch sẽ là một sự thiếu soát  cho  người hát. Chính vì vậy, việc hiểu nội dung của mỗi khúc Aria mới giúp người hát thể hiện được thông điệp của  khúc hát đó.

      Bên cạnh ca từ đem đến nội dung cho người nghe, các yếu tố về âm nhạc như sắc thái của từng câu hát, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, lúc mãnh liệt hoặc đau thương cũng phụ thuộc vào nội dung của từng câu hát. Nếu một câu hát có nội dung đầy yêu thương trìu mến mà lại thể hiện câu hát bằng cảm xúc căm phẫn hay đau đớn thì không đúng với tính chất của khúc hát. Hoặc ngược lại một câu hát có nội dung thất vọng, bi quan mà ta thể hiện bằng cảm xúc vui tươi hạnh phúc thì đã làm hỏng nội dung của nó. Vì hầu hết các Aria hiện đang sử dụng đều là của những tác giả nước ngoài, khi hát phải hát bằng tiếng gốc của tác phẩm, nên việc tìm hiểu nội dung là điều bắt buộc khi muốn hát tốt tác phẩm đó. Trong thanh nhạc, hình tượng về âm nhạc có nhiều yếu tố để thể hiện, cảm xúc thì luôn luôn không thể thiếu trong mỗi câu hát, điều đó càng khẳng định việc cần hiểu nội dung của khúc Aria để có thể bộc lộ đúng cảm xúc trong từng câu hát.

      Ngoài ra, nghệ thuật biểu diễn của thanh nhạc còn có cả sự biểu hiện của ngôn ngữ cơ thể  nên hiểu được nội dung của từng câu hát sẽ giúp người hát thể hiện được các động tác từ ánh mắt, nét mặt, nụ cười, động tác của tay, chân, cơ thể hoặc nhiều hình thức khác phù hợp với nội dung câu hát và cả tính cách nhân vật của Aria. Những biểu hiện minh họa của các ngôn ngữ cơ thể là một sự thể hiện cần thiết, nó làm nổi bật nội dung và tính cách nhân vật, làm cho việc biểu diễn thêm phần sinh động và chuyển tải được nội dung cách tốt hơn. Tất nhiên hình tượng âm nhạc trong cả ca từ cũng mang yếu tố ước lệ, trừu tượng, nên tránh có sự cường điệu về động tác cách thái quá, qua từng nội dung câu hát. Điều hoàn toàn không phù hợp lắm khi biểu diễn đơn lẻ các khúc Aria mà không có sự hỗ trợ của cả phục trang, sân khấu về bối cảnh đó. Tuy nhiên, trong điều kiện ở Việt Nam, điều này còn ít khi thực hiện được. Hiện nay, các trường đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp trong nước vẫn chưa đưa môn kỹ thuật sân khấu cho nhạc kịch vào dạy cách bài bản để hỗ trợ cho sinh viên khi trình bày các khúc Aria.   

images (3)

 

TÌM HIỂU KHÚC ARIA TRONG  MỘT VỞ OPERA. 

- Aria  ‘Di Provenza il mar’ là khúc hát của nhân vật Germont trong vở opera “La Travita” của nhà soạn nhạc G. Verdi.

Nội dung vở nhạc kịch:

        Vở nhạc kịch La Travita có nguyên tác là Trà hoa nữ, một câu chuyện đau thương về cuộc đời nàng kỹ nữ yêu hoa trà có tên là Marguerite Gautier. Nội dung Trà hoa nữ  kể về mối tình bất thành của anh nhà giàu Duval với cô kỹ nữ Marguerite, một đề tài tưởng đâu là quen thuộc, nhưng bằng ngòi bút sắc sảo, cộng với tình cảm bao dung mà tác giả muốn truyền tải. Truyện được độc giả đón nhận không ngần ngại trong cả giới quý tộc, giới bị hạ thấp hơn cả cô kỹ nữ trong truyện. Mặc dù Marguerite sống bằng nghề kỹ nữ nhưng trái với nghề của mình, Marguerite là người có tâm hồn và cá tính; có lòng vị tha, biết hi sinh bản thân mình cho người mình yêu. Marguerite Gautier trong chuyện được viết dựa trên hình mẫu của Marie Duplessis- người yêu của chính tác giả. Một nhân vật có thật là nàng Maria Duplessis- một kỹ nữ nổi tiếng của Paris thời đó. Nàng chết trẻ năm 23 tuổi trong xa hoa nhung lụa và sự ái mộ của không biết bao nhiêu người đàn ông. Giới kỹ nữ cao cấp là một đặc sản của Paris thời đó, đặc sản của chủ nghĩa lãng mạn, của sự lý tưởng hóa thứ tình bán mua. Sau khi được chuyển thể, đưa lên sân khấu và trình diễn vào năm 1852 ở Paris, vở diễn đã luôn đứng ở vị trí đầu tiên tại Nhà hát de Vaudeville thuộc Paris. Từ sự thành công của vở diễn, Giuseppe Verdi đã chuyển thể thành nhạc kịch. Tác phẩm này trở thành vở opera La Traviata, với nữ nhân vật chính là nàng Marguerite Gautier trong Trà hoa nữ được đổi thành nàng Violetta Valery.

     Vở opera La travita là khởi đầu,đồng thời là vở  xuất sắc cho thể loại bi  nhạc kịch mà trung tâm chỉ có một nhân vật nữ  với tình yêu của nàng. Các vở khác thuộc  thể  loại này có Tristan và  Isolde của  G.  Wagner;  Tosca và  Madame Butterfly của  G.Puccini…

Nhưng   La travita của G.Verdi khác với các  vở khác ở  chỗ nó gắn chặt và  bám rễ sâu từ trong thực tế cuộc sống, từ xã hội Paris đầu thế kỷ XX. Một Paris lãng mạn của giới nghệ sĩ, Paris của Balzac, của Victor Hugo, của Dumas…của kịch nghệ và sân khấu, của tội phạm và của những kỹ nữ nổi tiếng.

      Cấp độ tình yêu trong La travita được tăng dần lên. Trong hồi I là thứ tình yêu lạc thú tầm thường của những kỹ nữ, mà biểu hiện của nó là những cuộc chơi hoan lạc triền miên chiếm ưu thế. Nàng Violetta không tin vào tình yêu đích thực, dù có cảm động đôi chút về tấm chân tình của chàng Alfredo, thì lời cuối cùng khi kết hồi I vẫn là “Siempre libera”- tự do mãi mãi, tự do muôn năm, tự do để ăn chơi nhảy múa cho thỏa chí, vì tình yêu chẳng là thứ gì cả. Ở hồi II, tình yêu bắt đầu mang sắc thái cao hơn, nàng Violetta chịu hy sinh vì hạnh phúc người mình yêu khi chia tay với Alfredo, khi cha của Alfredo là Germont thống thiết van xin Violetta phải xa lánh Alfedo mãi mãi, dù trong lòng vẫn rất yêu chàng. Bi kịch được đẩy lên cao hơn với những lời cuối cùng Violetta nói với Alfredo: “Vĩnh biệt Alfredo, hãy yêu em, yêu em thật nhiều như em yêu anh. Nàng nói những lời này như dồn tất cả sinh khí trong lồng ngực, tuôn vào từng lời, như con chim hót lên những tiếng cuối cùng. Đó là những lời tha thiết cho người mình yêu thương, để rồi sau đó phải khoát lên vào mình chiếc mặt nạ lạnh lùng, tàn nhẫn của kẻ bội tình. Ở hồi III- hồi cuối của vở opera, khi mọi sự hiểu lầm đã tan, cả Violetta và chàng Alfredo tìm lại được tình yêu sau bao sóng gió thì bi kịch cũng được đẩy lên đỉnh điểm. Viotetta chết vì lao phổi. Lúc này, tình yêu cao thượng đã chiếm ưu thế tuyệt đối, những thứ tình mua bán, những cuộc chơi phù phiếm chẳng còn chút ý nghĩa gì.

- Nội dung khúc AriaDi Provenza il mar. Khúc aria này trong hồi II, là lời của người cha đau khổ Germont khuyên con trai mình là Alfredo hãy từ bỏ tình yêu với nàng kỹ nữ Violetta để trở về quê nhà.

Còn nhớ tới quê hương xa xôi.Ngày con cất tiếng khóc trong nôi.Tuổi ấu thơ bao năm êm trôi.Mẹ ru con nay đã xa rồi.Đồng lúa chín tắm nắng quê hương.Dòng sông xanh mang bao yêu thương.Nhìn thông reo như đang rì rào.Chờ mong con mau mau quay về.Trở về nhà con trai yêu nhé!Không can chi buồn thương khổ đa.             Trở về làng quê ta yêu dấu. Uống nước trong lành nơi đồng sâu.Và những giấc mơ xưa xa xôi. Con hãy nghe cha quên đi rồi.Đồng quê yêu dấu, nắng ấm đang chờ. Trở về đi thôi. Ngày tháng dần trôi.Ước mong sao những ngày hiu quạnh cha hằng mong đợi.Hãy trở về với gia đình yên vui.

          Những khúc aria trích từ các vở nhạc kịch nước ngoài, là một phần quan trọng trong chương trình giảng dạy thanh nhạc ở các học viện và các cơ sở có đào tạo hệ đại học thanh nhạc tại Việt Nam. Đây cũng là nội dung bắt buộc trong chương trình thi tuyển sinh, thi học kỳ và thi tốt nghiệp hệ đại học thanh nhạc. Thói quen chỉ nghe và hát theo mà không hiểu rõ về nội dung vở nhạc kịch và khúc aria cụ thể vẫn tồn tại nhiều, điều đó dẫn đến việc hát không đúng với tính cách nhân vật, nội dung bài hát, thông điệp, phong cách của tác giả và tác phẩm, khiến người nghe và cả người hát không cảm nhận được được hết tinh thần của bài hát. Đặc biệt là hát bằng các ngôn ngữ gốc những aria được trích trong các vở opera nước ngoài. Vì vậy, việc hiểu được nội dung, tính cách, phong cách của tác phẩm và tác giả là điều không thể thiếu nếu muốn thể hiện thành công một khúc aria.

Hoàng Cư

 Tài liệu tham khảo:

 - Website:  www.Wikipedia.org; Hình ảnh từ trang www.portlandopera.org

- Trung Kiên- Opera La traviata- Lược sử opera  - Nhà xuất bản từ điển bách khoa-Năm 2011- KHXB: 363-2011/CXB/03-11/TDBK

Góp ý
Các tin liên quan