Phương pháp tập bài hát hiệu quả

line

Tập bài hát là một trong ba công việc được tiến hành, trong thời gian học tập thanh nhạc. Mỗi công việc ở từng giai đoạn học tập giữ vai trò quan trọng khác nhau, nhưng nói chung, việc luyện mẫu âm và các bài luyện thanh cũng chỉ với mục đích làm cho giọng hát phát triển tốt, dần dần có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu về kỹ thuật, về biểu hiện tình cảm trong bài hát. Nói cách khác, tất cả đều phục vụ cho mục đích quan trọng nhất, là hát tốt các bài hát mà thôi. Bởi vậy, việc tập bài hát là công việc quan trọng nhất khi giọng hát đã phát triển tốt. Công việc này phả được tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ và sáng tạo.

Tuy vậy, một số ca sĩ chuyên nghiệp chưa thấy hết được ý nghĩa quan trọng của việc nghiên cứu tập bài hát, nên đã làm việc này một cách qua loa, thiếu thận trọng. Có người khi ra biểu diễn còn chưa thuộc lời bài hát, thậm chí chưa hát đúng âm nhạc của bài. Khi tập bài hát thì học theo lối truyền miệng, không có bản nhạc chính xác. Một số bài hát được nhiều người yêu thích thì có một nhiều ca sĩ hát sai nhạc, sai lời. Có người không nhớ hoặc không biết giọng điệu (tonalité) ngay cả những bài hát “tủ” của mình, thậm chí đôi khi còn không nhớ một cách chính xác tên bài hát và tên tác giả. Những hiện tượng đó chứng tỏ người hát chưa quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu tác phẩm, do đó hạn chế nhiều hiệu quả khi biểu diễn.

Khi đã chọn được bài hát rồi, chúng ta bắt đầu tập. Công việc này có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là “vỡ hoang” bài hát; giai đoạn thứ hai là gọt giũa và sáng tạo. Khi bắt đầu tập, ta không nên ghép lời vào nhạc ngay. Trước tiên nên đọc lời ca một hai lần cho quen, sau đó đọc lại một, hai lần có mức độ ít nhiều diễn cảm. Đọc lời ca trước như vậy rất có lợi, vì lời ca dễ đọc hơn nốt nhạc. Nên đọc một hai lần để quen với lời, đến khi ghép lại sẽ thuận lợi hơn. Hơn nữa, qua việc đọc lời ca, ta còn phần nào biết được nội dung của bài hát để bước đầu có những hưng phấn, những cảm xúc khi tập hát sẽ dễ thuộc, dễ tìm hình tượng diễn cảm của bài hát.

17_25_1303461331_28_t555021Sau đó bắt đầu ghép lời với nhạc. Nếu người xướng âm tốt thì nên tập phần nhạc bằng cách đọc xướng âm, thỉnh thoảng kiểm tra giai điệu bằng một loại nhạc khí nào đó. Còn với người xướng âm chưa vững thì có thể đánh giai điệu trên đàn Piano, guitare rồi ghép với lời ca. Kinh nghiệm cho biết rằng, lúc tập hát mà dùng nhạc khí đánh giai điệu để hát theo, thường lâu thuộc hơn là trực tiếp xướng âm. Muốn hát được ngay từ đầu và nhớ được kỹ, nên tập từng câu rồi từng đoạn, không nên tập tràn lan, lướt qua từ đầu tới cuối bài. Tập như vậy, nếu hát sai sau sẽ khó sửa lại. Lúc đầu nên tập ở tốc độ chậm, đến khi hát chính xác cao độ và tiết tấu mới tập đúng tốc độ quy đinh của bài. Tốc độ quy định, tác giả thường ghi ở đầu bài hát, nếu bài hát không ghi tốc độ cụ thể thì phải xác định tốc độ qua tính chất chung của bài hát. Khi tập, gặp những câu khó, cần chú ý tập kỹ. Sau đó đánh dấu những chỗ lấy hơi. Trường hợp câu nhạc và lời ca không thống nhất được cùng một chỗ ngắt câu, thì nên ưu tiên ngắt câu theo ý của lời ca để không làm sai ý của câu hát. Chừng nào chưa hát được chính xác, không nên bỏ bản nhạc. Nhưng cũng không nên tập hát nhìn vào bản nhạc mãi, mà nên cố gắng thuộc nhanh để còn tập trung vào việc biểu hiện.

Khi đã thuộc bài rồi, bước sang giai đoạn hai, giai đoạn gọt giũa, sáng tạo. Ở đây, trước hết là hát cho rõ lời. như chúng ta biết, phát âm và nhả chữ là hai yêu cầu thống nhất của nghệ thuật ca hát. Hai yêu cầu này gán bó với nhau, hỗ trợ cho nhau để tạo nên một tiếng hát hoàn chỉnh. Âm thanh đúng tạo điều kiện cho việc nhả chữ rõ ràng. Nhả chữ rõ ràng, đẹp, làm cho âm nhạc thêm phong phú về màu sắc và tình cảm. Ở giai đoạn hai của việc tập bài hát, phải hết sức chú ý hát cho rõ lời, nhả chữ cho chính xác. Trong bài hát có những chữ khó phát âm thì phải tập kỹ. Một số ca sĩ thường mắc phải nhược điểm không phát âm rõ ràng những chữ có phụ âm khép ở cuối, chẳng hạn các chữ “các” hát thành chữ “cáng”, “bác” thành “báng”, “đất nước” hát thành“đấn nướng”, “phấp phới” hát thành “phấm phới“. Một số hành khúc có những nốt nhạc móc giật thường bị bỏ chữ, bỏ nốt. Thí dụ: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng…”, khi hát không phát âm rõ chữ “đi” nên hát thành “ta i trong”,v.v…

Tuy rằng khi hát chúng ta phải đảm bảo sự âm vang cần thiết của âm thanh, nhưng rất cần phải chú ý hát rõ lời. Đối với những người có kỹ năng phát âm tốt thì hai yêu cầu này thường được giải quyết thỏa đáng. Ở những người phát âm chưa tốt, thì nhiều khi phải có sự điều chỉnh âm thanh đảm bảo cho bài hát được rõ lời, nếu không bài hát sẽ khó hiểu, hạn chế hiệu quả.

Hát cho rõ lời là yêu cầu rất quan trọng, nhưng cũng không vì cần hát rõ lời mà phát âm một cách máy móc, khô khan, làm cho bài hát trở nên rời rạc. Hoặc ngược lại, cầu kỳ quá, khi nhả chữ, thêm bớt nhiều âm luyến láy lại làm cho bài hát mất sự xúc động chân thực, mất trong sáng. Ở giai đoạn thứ hai, cần phải nghiên cứu kỹ nội dung, chất liệu âm nhạc để việc biểu hiện được phong phú, tình cảm và sâu sắc, sáng tạo. Đó là công việc rất quan trọng, có như vậy sự truyền cảm bài hát mới có sức sống, có nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó.

Góp ý
Các tin liên quan