Học piano: Đừng nghĩ là cuộc dạo chơi!
“Nhiều người có thể chưa biết nhạc lý, chỉ ca bản năng nhưng rất hay. Sau khi được học luyện giọng thêm, cộng thêm chút duyên nghề thì có thể hành nghề ca hát, thậm chí may mắn có thể bật lên thành người nổi tiếng. Vậy piano có giống vậy không? Nghĩa là chỉ cần chút năng khiếu, đàn theo bản năng được một ít bài (dù chưa từng biết qua nhạc lý), sau đó học bổ sung ít kiến thức thì có thành công được không?...”.
Đó là một số nội dung thắc mắc mà các giảng viên âm nhạc ít nhất cũng đã đôi lần được hỏi đến vì đã từ lâu, hình ảnh những nghệ sĩ nhạc công piano đệm đàn biểu diễn dù là một mình hay với ca sĩ hoặc một nhóm nhạc, cùng một phong thái ung dung, nhẹ nhàng đều ít nhiều tạo dấu ấn khá tốt với người xem. Tuy vậy, theo một giảng viên hiện đang công tác tại Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM) và đã có trên 21 năm giảng dạy môn nhạc cụ piano cổ điển thì câu trả lời là “không thể”.
Bởi đây được xem là ngành học thiên về năng khiếu nghệ thuật, nên ngoài sự đam mê, người học piano cần có những tố chất sau để trở thành những “nghệ sĩ” thực thụ bao gồm: năng khiếu và đam mê về âm nhạc; thời gian luyện tập nghiêm túc trên phím đàn piano (đây là điều bắt buộc); khả năng tư duy và thẩm thấu âm nhạc; khả năng tư duy sáng tạo trên những phím đàn.

(Ths. Mạch Thị Mỹ Thanh thu chương trình Gõ Cửa Âm Nhạc tháng 5 năm 2021).
Với sinh viên ngành piano, để có thể chơi các tác phẩm âm nhạc thành thạo cần phải học bài bản, quy củ và dưới sự hướng dẫn của những giảng viên giàu chuyên môn. Việc lựa chọn một nơi uy tín để dìu dắt, hướng dẫn đúng bài bản luôn là nỗi trăn trở và cân nhắc của những người đã trót đam mê với bộ môn này.
Khác với việc học văn hóa mỗi năm là một chủ nhiệm lớp khác nhau thì ngành học piano là ngành học đặc thù, với sự cộng hưởng, gắn kết qua lại giữa một thầy và một trò. Theo đó, nếu việc lựa chọn nơi học, ngành học phù hợp với khả năng tiếp thu và vấn đề tài chính là yếu tố quan trọng hàng đầu thì việc lựa chọn một giảng viên có thể sâu sát và “hiểu rõ” khả năng học viên đến đâu là yếu tố quan trọng tiếp theo. Có thể nói, vai trò của giảng viên là không thể thiếu vì ngoài việc “nhìn ra” và giúp định hướng đúng con đường cho học viên lựa chọn thì việc sâu sát, kèm cặp, gắn kết ăn ý giữa thầy - trò sẽ là con đường dẫn đến thành công gần như là tất yếu.

(Ths. Mạch Thị Mỹ Thanh thu chương trình Gõ Cửa Âm Nhạc tháng 5 năm 2021).
Bên cạnh việc được cung cấp, trang bị đầy đủ kiến thức cho học viên trong suốt chương trình đại học 4 năm chuyên ngành piano, mối gắn kết giữa thầy – trò trong suốt giai đoạn học tập là không thể thiếu vì kiến thức mà học viên thu nạp cũng chỉ mang yếu tố tương đối. Có thể nói, học piano là quá trình dài hơi từ lúc mới bắt đầu tập cho đến khi học hành bài bản, chính sự ăn ý, kèm cặp sát sao, cũng như khả năng “nhìn ra” để định hướng đúng cho học viên lựa chọn con đường piano cổ điển hay piano nhạc nhẹ là thành tố rất quan trọng và có thể xem là tương lai nghề nghiệp sau này của học viên.
“Thầy hay nhưng trò cũng phải giỏi”, việc trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và quá trình học tập nghiêm túc các giờ lên lớp lẫn ngoài giờ sẽ là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của học viên sau này. Dẫn chứng cho thấy, nếu một học viên giỏi nghề, nắm vững kỹ thuật một cách bài bản, sẽ không khó để có cơ hội cộng tác hoặc tham gia biểu diễn tại các phòng trà, cà phê, sự kiện, tiệc tại gia v.v… khi vẫn còn chưa tốt nghiệp.
“Ngành piano là một ngành học có nhiều triển vọng nghề nghiệp đối với những bạn trẻ thực sự đam mê và có năng khiếu về âm nhạc. Nếu thực sự có mong muốn trở thành nghệ sĩ piano thì các bạn cần đăng ký nguyện vọng vào các trường phù hợp để được học tập và rèn luyện trong môi trường đào tạo chuyên nghiệp, với những giảng viên tận tâm và có sự gắn kết lâu dài. Bên cạnh đó, nhẫn nại và kiên nhẫn với ngành học là yếu tố cần phải có ở người học piano”. Đó là lời nhắn nhủ chân thành được một giảng viên gởi gắm đến người học.
ThS. MẠCH THỊ MỸ THANH